Trang Sinh

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Trang Sinh

SCOUT LAND


    Thư ngỏ gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Báo Lao Động

    Admin
    Admin
    Admin
    Admin


    Nam Tổng số bài gửi : 462
    Age : 36
    Đến từ : Cần Thơ- Việt Nam
    Job/hobbies : Student
    Registration date : 25/04/2008

    Thư ngỏ gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Báo Lao Động Empty Thư ngỏ gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Báo Lao Động

    Bài gửi  Admin Tue Jul 22, 2008 2:15 pm

    Thư ngỏ gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
    Lao Động Điện tử Cập nhật: 9:07 PM, 30/06/2008

    (LĐĐT) - Thư ngỏ của một doanh nhân gửi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiên Nhân, trình bày về "thảm họa" trẻ em bị chết đuối, kiến nghị giải pháp và mong mỏi được đóng góp để ngăn chặn tình trạng này.
    Long Xuyên, ngày 21 tháng 6 năm 2008
    Kính gửi: Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân


    Tôi là một doanh nhân đã có hơn 30 năm hoạt động trên vùng sông nước Tây Nam Bộ, chứng kiến không biết bao nhiêu cái chết thương tâm của trẻ em trong những mùa lũ đi qua, nhưng những thông tin trên báo chí gần đây khiến tôi bị sốc, muốn làm một cái gì đó góp phần cùng cộng đồng xóa bỏ đi những con số đau lòng. Mỗi năm ở Việt Nam có tới 12.700 trẻ em chết đuối, tức mỗi ngày xấp xỉ 35 em, chỉ đứng sau tai nạn giao thông về mức độ tử vong (kết quả điều tra của liên trường đại học Y và tổ chức UNICEF).
    Còn nhớ cơn "đại hồng thuỷ" năm 2000, toàn vùng ĐBSCL có 448 người chết, trong đó tới 319 trẻ em. Đau đớn hơn là tất cả các cụm, tuyến dân cư vượt lũ lúc ấy đều xây theo đỉnh lũ năm 1996 nên hầu hết đều bị nhấn chìm, dẫn đến tái diễn thảm cảnh “chôn gác tréo”.

    Báo chí mô tả những chi tiết ám ảnh: "Ông Dương Văn Long – Chủ tịch xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) – kể: “Mùa lũ năm 1995, tôi ngồi vỏ lãi đi công tác ở ấp 6 Kinh Hội, thấy chim chóc bu đầy trên cụm tràm ngoài đồng, sinh nghi bèn ghé nhà Lê Hồng là bộ đội phục viên: Mày ra ngoải coi thử, tao sợ chuột khoét xác đứa nhỏ, xông mùi lên nên chim chóc mới bu. Lê Hồng liền bơi xuồng ra coi. Trời đất ơi, đứa con gái duy nhất mới lên 6 của nó - chết đuối tháng trước, phải chôn gác tréo - đã bị... ăn tới 1/3”.

    Năm 1995 là thời điểm Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo các huyện vùng lũ ÐBSCL dành ra một khu vực đất giúp dân nghèo chôn cất người thân trong điều kiện lũ lụt kéo dài. Ấy vậy mà năm sau, cũng tại xã Trường Xuân, lại xảy ra trường hợp “chôn gác tréo” thứ hai. Nạn nhân là anh Hà Văn Cường, bộ đội xuất ngũ của Tiểu đoàn 502, bị chết do điện giật. Sau 3 năm không có lũ lớn, táng thức “chôn gác tréo” bất ngờ xuất hiện trở lại vào năm 2000 khi toàn bộ 14 nghĩa địa nhân dân do Hội Chữ thập Đỏ vận động xây dựng (có tổng diện tích 44.000 m2) đều bị nhấn chìm.

    Trong sổ tay của tôi còn ghi: Cụ bà Hà Thị Thạnh, 64 tuổi ở ấp 4, xã Phương Trà, Cao Lãnh. Cụ bà Phan Thị Nho, 75 tuổi ở ấp 1, xã Tân Hội Trung, Cao Lãnh. Bé gái Đặng Thị Ngọc Trâm, 2 tuổi ở ấp 2 A, xã Hưng Thạnh, Tháp Mười – cha mẹ đem vùi xác, đóng cọc dưới mé ruộng. Bé trai Lại Anh Vũ, mới 13 tháng tuổi ở ấp 2, xã Đốc Binh Kiều, Tháp Mười – gói nilon đặt trong khạp da bò, trét kín bằng ximăng...." (Báo Lao Động).

    Với vị trí trọng trách Phó Thủ tướng kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GDĐT, hẳn Phó Thủ tướng chưa quên: Cũng trong mùa lũ năm 2000, Bộ trưởng Bộ GDĐT lúc ấy chỉ đạo tất cả các trường học, kể cả ở vùng ngập sâu, đều tổ chức khai giảng đúng ngày 5.9. Hậu quả là trong tổng số 319 trẻ em chết đuối đã có không ít học sinh chết trên đường đến trường.

    Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem tivi thấy nhiều nơi tổ chức xuồng ghe đưa rước học sinh giữa biển nước mênh mông mà không hề trang bị áo phao, đã viết thư gửi UBND các tỉnh vùng lũ đặt vấn đề phải đặt tính mạng học sinh lên trên hết, các em học chính khóa không được thì tổ chức học hè. Sau đó, Bộ GDĐT mới có chủ trương giao quyền quyết định biên chế năm học cho chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định. Từ trong lũ lụt, ĐBSCL đưa ra mô hình điểm giữ trẻ mùa lũ mà theo tôi hiểu, là để tạm lấp cái khoảng trống nhà trẻ, mẫu giáo còn rất lớn trên vùng châu thổ này. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn tổ chức dạy trẻ em học bơi. Tuy nhiên, đó vẫn là những giải pháp tình thế bởi số lượng trẻ em chết đuối ở Việt Nam vẫn còn rất cao trong những năm gần đây.

    Số liệu thống kê của Cục Đê điều và Phòng chống bão lụt thiên tai cho biết: Năm 2002, có 151 trẻ em bị chết trong tổng số 170 người chết, chiếm tỉ lệ 88,8%. Năm 2005, số trẻ em chết đuối trung bình ở mỗi tỉnh là từ 7-25 trường hợp. Còn năm 2008 này, theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTBXH thì đầu hè đã có gần 50 trẻ em chết đuối, dù ngay từ đầu tháng 4, Bộ đã có công văn gửi các địa phương về việc triển khai chương trình bơi phổ cập và phòng chống tai nạn thương tích. Mỗi năm cả nước có gần 13.000 trẻ em chết đuối, con số không hề giảm tính từ năm 2005 đến nay. Thật quá đau lòng.

    Kính thưa Phó Thủ tướng,

    Việt Nam là một quốc gia biển mà thanh thiếu niên của quốc gia ấy lại chết đuối ở mức độ khủng khiếp như thế là không thể chấp nhận. Tôi nói "thanh thiếu niên" bởi ngay cả sinh viên, học sinh sau hàng chục năm được gia đình - nhà trường - xã hội dày công đào tạo vẫn bị chết đuối khi tham gia chiến dịch "Mùa hè xanh" do Trung ương Đoàn tổ chức trong mấy năm gần đây.

    Tôi được biết phong trào Hướng đạo do người Anh lập ra từ năm 1907, chuyên huấn luyện những kỹ năng mưu sinh, thoát hiểm cho thanh thiếu niên trong tình huống xảy ra thảm họa. Việt Nam không xa lạ với phong trào này, bởi ngay từ năm 1915, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người Việt Nam đầu tiên ở Vương quốc Anh tham gia.

    Đến năm 1930, cụ Hoàng Đạo Thúy thành lập Thiếu đoàn Vạn Kiếp, là một trong các đơn vị Hướng đạo đầu tiên ở Việt Nam. Đến năm 1946, Bộ Nội vụ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra quyết định công nhận Quy trình hoạt động của Hội Hướng đạo Việt Nam với thời gian vô hạn và đặc biệt ngày 31.5.1946, Bác Hồ gửi thư đến Hội Hướng đạo Việt Nam nhận lời làm Hội trưởng danh dự và ngày 7.5.1957, Hướng đạo thế giới ra quyết định công nhận Hội Hướng đạo Việt Nam.

    Với một lịch sử "vẻ vang" như vậy, tôi đề nghị Phó Thủ tướng đặt vấn đề với Trung ương Đoàn về những trường hợp sinh viên, học sinh chết đuối khi tham gia chiến dịch "Mùa hè xanh", về vai trò của tổ chức Đoàn, tổ chức Đội trong huấn luyện kỹ năng thoát hiểm, mưu sinh cho thanh thiếu niên Việt Nam khi thiên tai, thảm họa xảy ra ngày càng nhiều, ngày càng phức tạp.

    Kính thưa Phó Thủ tướng,

    Tôi được biết, Phó Thủ tướng là người rất tâm huyết và hiện là tư lệnh trên mặt trận đổi mới hoạt động GDĐT ở Việt Nam, tôi mong Phó Thủ tướng sớm đưa ra quyết sách ngăn chặn tình trạng trẻ em chết đuối mà một trong những biện pháp căn cơ là đưa môn bơi lội nói riêng và hoạt động huấn luyện kỹ năng thoát hiểm, mưu sinh nói chung vào nhà trường, bắt đầu từ bậc học mẫu giáo, như một môn học bắt buộc, chớ không thể chấp nhận mức độ "mở các lớp dạy bơi phổ cập" theo kiểu vận động như hiện nay.

    Bản thân tôi và theo tôi nghĩ, giới doanh nhân Việt Nam đều sẳn lòng góp một phần sức nếu Chính phủ đưa ra những giải pháp khả thi nhằm giải quyết tận gốc vấn đề. Thử hỏi trong các bộ môn thể dục, thể thao hiện có trong nhà trường, bộ môn nào quan trọng hơn dạy học sinh biết cách bảo vệ mạng sống? Có sống, có tồn tại thì những công dân tương lai mới có thể góp sức xây dựng đất nước. Chỉ riêng việc cắt bớt một số bộ môn ít quan trọng cũng đủ giúp Bộ GDĐT tự cân đối thời gian, kinh phí.

    Tôi không biết sau “Hội thi bơi lặn cứu đuối toàn quốc” dự định tổ chức tại thành phố Đà Nẳng từ ngày 21-24.8.2008, sẽ đọng lại trong lòng xã hội điều gì? Trẻ em của chúng ta, học sinh của chúng ta, sinh viên của chúng ta đang cần những quyết sách thấm sâu và có trách nhiệm đến từng gia đình, từng trường học, từng xã, phường, thị trấn.

    Tôi là doanh nhân và tôi đang muốn làm một cái gì đó. Mong Phó Thủ tướng chỉ ra, doanh nhân chúng tôi nên làm gì trong công cuộc đổi mới ở học đường mà Đảng và Nhà nước đang quan tâm?

    Kính thư!
    Lê Thanh Thuấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai

      Hôm nay: Mon May 13, 2024 2:58 am